Giá vật liệu tăng “nóng”
Trung bình quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021. Giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm (thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm). Thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như: Than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song giá than tăng mạnh. Trong quý I/2022, giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cát, đất đắp, đá xây dựng: Nhìn chung trong 2 tháng đầu năm, giá đất đắp và cát, đá xây dựng không có biến động nhiều, chủ yếu do các công trình xây dựng đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động lại sau dịch Covid-19.
Theo Báo Dân sinh, giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000 đồng/m3, giá cát trung bình đến hiện trường công trình là 337.000 đồng/m3, giá đá trung bình đến hiện trường công trình là 224.000 đồng/m3. Tuy nhiên, hiện nay giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, dự báo trong quý II-2022 và trong thời gian tới sẽ có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.
Giá thép hiện tại vượt mức đỉnh (18,3 triệu đồng/tấn) hồi tháng 5 năm ngoái khoảng 700-800 nghìn đồng/tấn. Ảnh: Báo Xây dựng.
Giá thép xây dựng trong nước quý I/2022 có xu hướng tăng mạnh trước ảnh hưởng thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Cụ thể, bắt đầu từ giữa tháng 2/2022 đến nay, giá thép xây dựng trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh (từ 600-1.200 đồng/kg). Tính đến ngày 14/3/2022, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2/2022 và tháng 1/2022 là 3,5% và 7,5%. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu giảm xuống.
Giá thép xây dựng các loại hiện nay khoảng 18.600-20.600 đồng/kg tại các khu vực Bắc, Trung, Nam (giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của Hòa Phát, miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng/kg, 19.000 đồng/kg; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg). Trung bình quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.
Xi măng “gánh” áp lực
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu.
Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao, do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Giá than trong nước lại đang thấp hơn so với thế giới, song có thể tiếp tục điều chỉnh trong năm nay, do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao hơn.
Thực tế, để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời từ cuối tháng 3 vừa qua.
Trao đổi với Báo Tin tức, đại diện Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) chia sẻ, dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Do đó, Vicem Hà Tiên đã phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao. Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn, đã bao gồm VAT.
Thêm nữa, từ sau xung đột Nga – Ukraine, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu.
Như vậy, dù sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến tăng trưởng trở lại trong năm 2022, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực do cạnh tranh lớn cùng giá đầu vào tăng.
Bên cạnh áp lực từ giá đầu vào, theo phân tích của SSI, tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại, đặc biệt tại thị trường trọng điểm như Trung Quốc, với 55% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể, ước tính nhu cầu của Trung Quốc chậm lại trong năm nay, thể hiện ở việc giá xi măng Trung Quốc đang giảm so với mức đỉnh tháng 10 năm 2021 do thị trường bất động sản giảm.
Nếu như báo cáo của Hiệp hội Xi măng, năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 - 64 triệu tấn khiến xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng thì đây cũng là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Theo tài liệu Đại hội đại cổ đông năm 2022 được Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI công bố, doanh nghiệp này đặt tổng doanh thu dự kiến 680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện trong năm 2021.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, mục tiêu năm 2022 thấp hơn do dự báo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ tăng cao; đồng thời, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và xuất khẩu không ổn định.
Nhiều dự án gặp khó
Sự tăng giá mạnh của các mặt hàng vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến các nhà thầu, khiến nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản.
Phản ánh với Báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Long, thành phố Bắc Giang cho biết, hơn chục năm nay, giá thép mới lại tăng mạnh như thế này. Năm trước, khi doanh nghiệp trúng thầu công trình thì giá thép chỉ khoảng 17 triệu đồng/tấn mà nay đã tăng thêm hoảng 4 triệu đồng/tấn. Những công trình sử dụng hàng trăm tấn thép thì chi phí tăng thêm không nhỏ.
Không chỉ có vậy, giá xi măng, cát, sỏi, nhân công, ca máy cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định nên nhà thầu không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có biện pháp ứng phó và được tháo gỡ khó khăn kịp thời. Hiện là nhà thầu của nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nên việc biến động của giá vật liệu xây dựng đang khiến doanh nghiệp này lo lắng. Đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều doanh nghiệp xây dựng.
Giá vật liệu tăng cao khiến nhiều dự án gặp khó khăn. Ảnh: Báo Xây dựng.
Trước khó khăn này, thậm chí có nhà thầu đã chọn giải pháp thay vì thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng xuống thì phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá vật liệu có thể tiếp tục tăng; đồng thời, triệt để tiết kiệm các chi phí khác. Thậm chí, doanh nghiệp còn huy động nguồn vốn của cổ đông và vốn tự có của đơn vị để chủ động mua đầy đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Mặt khác tăng giờ làm, đẩy nhanh tiến độ công trình...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh nhận định, việc liên tục tăng giá vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói...
Điều này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án. Giá vật liệu xây dựng tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện có khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt.
Khẩn trương triển khai các biện pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng
Thông tin từ báo Xây dựng cho biết, xét báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về ảnh hưởng của biến động giá nhiên, vật liệu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông.
Cụ thể, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.